Giới thiệu chung Xã
Ngày 24/04/2020

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Đông Xuyên là một trong 35 xã, thị trấn thuộc khu Đông của huyện Tiền Hải, cách trung tâm huyện khoảng 10 km. Phía Bắc giáp xã Đông Trà, phía Nam giáp xã Đông Hoàng và Đông Trung, phía Đông giáp xã Đông Long, phía Tây giáp xã Đông Quý.

Là một vùng đất phù sa do biển Đông và sông Trà Lý bồi tụ, trải qua hàng trăm năm cải tạo, địa hình đất đai Đông Xuyên tương đối bằng phẳng. Đất đai Đông Xuyên là loại đất phù sa và đất pha phù hợp cho thâm canh lúa nước và trồng các loại cây hoa màu. Thiên nhiên ưu đãi đã ban tặng cho Đông Xuyên vùng nội cát dồi dào tiểm năng kinh tế. Vùng nội cát nằm dọc theo đê số 5, là dải cát cao chiếm khoảng 10% diện tích. Những năm 60 của thế kỷ XX vùng nội cát nổi tiếng với nghề chuyên canh trồng dâu nuôi tằm. Cùng với đó là các loại cây hoa màu, mùa nào thức ấy  đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân.. Đến nay vùng nội cát được cho đấu thầu tạo ra vùng chuyên canh cây màu giá trị kinh tế cao: dưa bao tử, cà chua nhót, bí xanh.

Đông Xuyên có Sông Cá sông Long Hầu và sông Thủy Nông chảy qua. Hệ thống sông ngòi mang nguồn nước thau chua, rửa mặn, tưới tiêu cho đồng ruộng và phục vụ sinh hoạt của cư dân trong xã. Với dòng chảy uốn lượn quanh co, ngang dọc còn tạo ra một địa hình hài hòa thuận lợi cho việc sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong xã. Đồng thời còn tạo nên khung cảnh sông nước, đồng ruộng, vườn cây trái, hài hòa, yên bình, thơ mộng mang nét đặc trưng của vùng quê nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng.

 Đông Xuyên không có các hồ, đầm lớn, chủ yếu là các ao nhỏ, nằm xen kẽ với làng xóm hoặc ven đê, ven biển do lấy đất đắp đê hoặc do vỡ đê tạo thành các điểm trũng tích nước. Các ao hồ nhỏ xen kẽ trong khu dân cư là kết quả của quá trình tạo lập đất ở. Xưa kia, đất được bồi đắp không bằng phẳng, chỗ cao chỗ thấp, người ta đào ao lấy đất đăp nền nhà, tạo thành vườn tược, và tận dụng nguồn nước từ ao hồ quanh nhà để lấy nước sinh hoạt. Vì vậy phần lớn làng xóm, cư dân (nhà cửa, ruộng vườn) đều gần với ao đầm. Tổng diện tích ao là 10,1 ha chiếm khoảng 19% diện tích đất đai trong xã.

Đến năm 2019, tổng diện tích đất đai của xã là 548,71 ha. Trong đó đất trồng lúa là 324,8 ha; đất thổ cư 133,7 ha; đất bãi triều 27,07ha, đất ao hồ, sông ngòi 15,36ha, đất chuyên dùng và đất khác là 0,50 ha.

Dân cư trong xã có 1.931 hộ với 5.962 khẩu, cư trú ở 4 thôn: Kênh Xuyên, An Cư, Quý Đức và Hải Long. Nhân dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Có hai tôn giáo là Đạo Phật và Công giáo, chiếm  khoảng 30% dân số trong xã.

Đông Xuyên có đường 221D đi qua, là tỉnh lộ chạy xuyên suốt các xã khu Đông ngoài nối với quốc lộ 37B, thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế. Chợ Kinh Xuyên đã hình thành và gắn với văn hóa và đời sống nhân dân trên một trăm năm. Đầu thế kỷ XX, trước nhu cầu về giao lưu, trao đổi buôn bán của nhân dân trong vùng, Hội đồng Kỳ mục tổng Tân Hưng đã quyết định mở chợ tại khu gò cát cao thuộc cánh đồng Cồn làng Kênh Xuyên, gọi là chợ Cồn. Chợ Cồn lúc đó nằm cách chợ Cây Xanh (Đông Quý) khoảng 2 km. Chợ nằm ở vị trí thuận lợi trên bến dưới thuyền, khách từ khu Nam, Thái Thụy, và các vùng lân cận về trao đổi hàng hóa nhộn nhịp. Khi xã Đông Xuyên được thành lập (1955), chợ Cồn được chuyển về thôn Kinh Xuyên, từ đó gọi là chợ Kinh Xuyên. Trong chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, chợ Kinh Xuyên có thời gian phải sơ tán họp ở khu vực Đồng Mo (vùng nội cát thôn Kinh Xuyên), sau đó lại chuyển về vị trí cũ. Mỗi tháng chợ có 6 phiên chính vào các ngày mồng 1, 5, 11, 15, 21, 25 âm lịch. Từ khi thành lập đến nay, chợ Kinh Xuyên luôn là trung tâm buôn bán của các xã khu Đông ngoài. Hiện nay chợ có khoảng 300 hộ kinh doanh buôn bán. Chợ bán đủ sản vật của vùng quê nông thôn ven biển và các loại hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân. Chợ không chỉ là nơi giao lưu, trao đổi hàng, hóa đem lại nguồn thu nhập cho nhân dân địa phương, mà còn là đặc trưng của Hồn quê trên của mảnh đất Đông Xuyên.

Thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới, Đông Xuyên có sự phát triển toàn diện. Cơ sở hạ tầng trong xã được xây dựng, nâng cấp; các công trình phúc lợi, công cộng ngày càng hoàn thiện đã làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, trù phú và văn minh. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo ngày một giảm. Đời sống mọi mặt của nhân dân ngày càng được cải thiện.

2. Quá trình hình thànhvà phát triển,

Từ xa xưa, nhờ quá trình bồi tạo của phù sa Sông Hồng, sông Lân và sông Trà Lý bãi Tiền Châu dần được hình thành, ngày càng mở rộng ra phía biển. Những dòng sông, nhánh lạch, đầm lầy, cồn cát xen lẫn những bãi sa. Lau lách, sú vẹt… mọc um tùm. Vùng đất các xã Đông Xuyên, Đông Quý, Đông Trà, Đông Long, Đông Hải…hiện nay là cửa sông Trà Lý thuộc Cồn Tiền. Thỉnh thoảng trong vùng nổi lên các doi đất cao nhân dân địa phương gọi là “Mom rô”. Đến đầu thế kỷ XIX bãi Tiền Châu chỉ có một ít dân cư của một vài trại ấp nhỏ do các làng lân cận lập ra, dân cư làm muối hoặc chài lưới, cuộc sống rất bấp bênh[1].

Lợi dụng địa thế hiểm trở hoang vu của bãi Tiền Châu, Nghĩa quân Phan Bá Vành[2] đã từng biến nơi đây thành căn cứ chuẩn bị khởi nghĩa[3]. Đầu năm 1826, ở vùng đất mon rô đã diễn ra trận chiến giữa nghĩa quân Phan Bá Vành với triều đình nhà Nguyễn. Triều đình cử Tổng đốc Nam Định Lê Mậu Cúc[4] cầm quân truy đuổi nghĩa quân, cuộc giao tranh diễn ra quyết liệt, Nguyễn Mậu Cúc tử trận. Nguyễn Công Trứ[5] được triều đình cử thay Lê Mậu Cúc đánh dẹp nghĩa quân.

Năm 1827, trong khi Nguyễn Công Trứ tham gia đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, ông đã nhận ra những kẻ “làm loạn” không phải ai xa lạ mà chính là những người dân đói lưu vong không có ruộng đất. Ông đã trình sớ lên triều đình đề nghị khai hoang với hình thức doanh điền[6]. Trong lời sớ Nguyễn Công Trứ nêu rõ nguyên nhân sâu xa của khởi nghĩa nông dân. Muốn khắc phục triệt để nạn xiêu tán và khởi nghĩa thì phải giải quyết được nhu cầu ruộng đất và cơm áo cho nông dân nghèo. Những miền bãi bồi ven biển chính là sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng, là nơi ông muốn tập hợp nhân dân khẩn hoang. Những lợi ích về chính trị, kinh tế và quân sự trong việc khai khẩn đất Tiền Châu đã thuyết phục được triều đình. Việc khẩn hoang được phê chuẩn. Nguyễn Công Trứ được cử trực tiếp chỉ huy cuộc đại khẩn hoang vùng bãi biển Tiền Châu.

Nguyễn Công Trứ chẳng những chiêu mộ dân nghèo, ông còn thu hút nghĩa quân cũ của Phan Bá Vành vào cuộc doanh điền, với mục đích tránh nguy cơ tái diễn của khởi nghĩa nông dân. Chỉ trong vòng nửa năm từ tháng 3/1828 đến tháng 9/1828 hệ thống đê sông, đê biển, hệ thống thủy lợi với những con sông đào đã hoàn thành. Sông Cá, sông Vàng và sông Long hầu là thành quả của cuộc khẩn hoang. Hàng trăm km đê sông lớn nhỏ, hàng vạn mẫu ruộng được khai phá và một hệ thống lý, ấp mới đã được thành lập. Tháng 9/1828 theo lời tấu của Nguyễn Công Trứ, triều đình nhà Nguyễn đã phê chuẩn thành lập huyện Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương tỉnh Nam Định[7]. Với diện tích 18.970 mẫu, dân số 2.350 người. Huyện lỵ đặt tại làng Phong Lai, đầu đời Tự Đức chuyển về làng Hoàng Tân. Lúc đầu thành lập Huyện Tiền Hải có 7 tổng là Tân An, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Phong, Tân Định, Tân Bồi, Tân Cơ; với 14 lý, 27 ấp, 20 trại và 4 giáp[8].

Mảnh đất Đông Xuyên ngày nay cũng được hình thành trong cuộc khẩn hoang của Nguyễn Công Trứ. Lực lượng dân nghèo, nghĩa quân khởi nghĩa trước đây của Phan Bá Vành theo lời chiêu mộ đã về khai hoang lập ấp hình thành các dòng họ, các thôn, làng ở nơi đây.